Kể chuyện đất nước
Tiểu sử ông Nguyễn Khắc Viện Quê ông ở làng Gôi Vị bên bờ sông Ngàn Phố, nay là xã Sơn Hòa huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Ông là con trai của cụ Hoàng giáp Nguyễn Khắc Niên làm Thượng thư Bộ Lễ triều đình nhà Nguyễn.
Từ làng Gôi Vị đến kinh thành Paris
Phần I VÀO ĐỜI
Tôi là kẻ giác ngộ chính trị rất chậm. Anh em thì 15-16 tuổi đã tham gia hoạt động. Tôi thì mãi gần 30 tuổi mới có một ít nhận thức về chính trị. Có lẽ tại vì cái thành phần như vậy sống từ bé không có vấn đề gì. Nhưng tôi đã được sống qua nhiều chế độ khác nhau: Thứ nhất, thuở bé sống trong chế độ xã hội phong kiến trong xóm trong làng quê kiểu quan lại, về sau sống trong những thành phố, đặc biệt là ở Hà Nội, dưới chế độ thực dân (thực dân là cái đuôi, là cái ngoặt của chủ nghĩa tư bản). Sau đó lại sống 25 năm ở Pháp, một nước tư bản phát triển. Nước tư bản này cũng qua nhiều giai đoạn khác nhau: Giai đoạn cách mạng khoa học kỹ thuật ở cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, và từ 1945 trở đi thì cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật thứ hai, tức là thời hiện đại cuộc sống hoàn toàn thay đổi. Sau đó lại về Hà Nội, qua chế độ xã hội chủ nghĩa, nhưng là bước đầu quá độ xã hội chủ nghĩa, mà thực chất là bao cấp. Những kinh nghiệm sống qua các chế độ xã hội khác nhau đó chính là nền tảng của những nhận thức về chính trị sau này.
Tôi sinh ra trong một gia đình phong kiến, tại một làng xa xôi ở Hà Tĩnh, một vùng đất vốn có truyền thống cần cù chịu khó, hiếu học. Trong nhà thường gọi bố là Thầy, mẹ là Chị. Tại sao lại gọi là Thầy? Có lẽ ông cụ nhà bước đầu đi dạy học là chính, sau mới làm quan. Ông cụ nhà tôi xuất thân là một nho sĩ, có trí nhớ rất đặc biệt, nổi tiếng học giỏi. Tiếng tăm của ông chính là thi đỗ Hoàng Giáp(1) rất sớm, lúc mới 19 tuổi (1907). Ông cụ tôi lúc đầu làm đốc học tỉnh Nghệ An (tương đương Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo bây giờ), vừa làm giám đốc vừa dạy. Sau làm tư nghiệp, làm phó hiệu trưởng trường Quốc Tử Giám - là trường của đội quân chuẩn bị ra làm quan. Khi Pháp bỏ học chữ nho, tất cả cái hệ thống đó bị đóng cửa, nên ông cụ chuyển ra làm quan, quan hành chính. Trong điều kiện sinh hoạt của nhà quan, ông cụ ở trong phòng riêng, con cái ở phòng riêng, ít khi được nói chuyện với bố. Chúng tôi nhờ được tính di truyền của bố nên học hành lên lớp dễ dàng, ông không phải hỏi han. Sau này, khi tôi ra Hà Nội học trung học rồi đại học, mỗi lần về ông cũng không trao đổi gì cả, nhất là về chính trị xã hội. Nhưng ảnh hưởng lớn nhất của Thầy tôi đối với tôi là tác phong, lối sống của con người. Đây là con người nhà nho, ra vào, ăn nói, đi đứng rất nghiêm túc. Ví dụ chúng tôi nói đồng hồ chết rồi, ông bảo: "Không ăn nói thô tục, tại sao không nói đồng hồ đứng rồi". Khi ra công đường khăn áo đàng hoàng. Lúc tế thần, cúng tổ tiên, trông nét mặt và cách hành lễ của Thầy tôi thì rất rõ, đúng như câu của Khổng tử: "Tế thần như thần tại" (Lúc tế thì coi như đang có thần linh ở đó), lúc cúng tổ tiên coi như tổ tiên có mặt trên bàn thờ. Chúng tôi lúc bấy giờ chỉ đứng cúng lạy cho có chuyện, chứ nhìn nét mặt và cách đi đứng của Thầy tôi hồi đó thì đúng như có tổ tiên về thật. Đến lúc mẹ tôi mất, thì tôi mới hiểu thấm thía lễ nghi là như thế nào. Tôi là con trai cả, lúc đó mới khoảng tám tuổi. Trong những ngày tang lễ, tất cả những việc hành lễ tôi phải đứng ra thực hiện. Đi từ nhà đến chỗ chôn cất khoảng 2 km, tôi phải mặc áo dài lụng thụng, chống gậy đi lùi. Tiếp đó, liên tục trong ba tháng 10 ngày, mỗi ngày hai lần cúng cơm. Rồi đến những ngày lễ lớn, ít nhất cũng cả tiếng đồng hồ lạy, đứng lên, quỳ xuống, có người hô bằng chữ Hán, thuộc cho hết lời hô đó mà làm cho đúng. Lúc đọc văn tế bằng chữ Hán, tôi chẳng hiểu gì mà phải quỳ xuống đứng lên lạy cả buổi. Rồi khách đến viếng rất đông, ngoài làng xóm, còn không biết bao nhiêu học trò của Thầy tôi ở khắp nơi đều đến viếng. Họ lạy bao nhiêu, tôi phải lạy đáp lại bấy nhiêu. Cứ như thế kéo dài cả tháng. Trong tháng đó, áo quần không được giặt. Thật là lễ nghi vô cùng phiền toái, phức tạp. Vì thế mà cho đến bây giờ, mỗi lần có tang ma, tôi như có dị ứng đặc biệt, không muốn đi nữa. Sau này, đọc thêm sách Khổng giáo và đi sâu về tâm lý xã hội, mới thấy đầy đủ hơn, toàn diện hơn, sâu sắc hơn ý nghĩa của lễ. Một xã hội văn minh lúc nào cũng có lễ, một xã hội vô lễ tức là đang còn ở trình độ thú vật. Một xã hội mà lễ nghi tan rã, mất hết kỷ cương, thì trở lại tính thú vật. Cũng vì thế, hãy hiểu hết câu "Tiên học lễ, hậu học văn". Văn là kiến thức, dạy trẻ con trước hết là cho đi vào lễ nghi - xã hội. Đứng về tâm lý học mà nói, lễ là một sự điều kiện hóa cho con người, đặc biệt là lúc còn nhỏ. Cách ăn nói, cách đứng ngồi... sau này thành một cái nếp và nhờ thế nó ổn định trật tự trong xã hội, nhưng cũng ràng buộc con người, ràng buộc một cách vô thức, lúc ấy con người đã nhiễm, đã bị điều kiện hóa, thành ra không có ý thức, tự nhiên cứ làm như thế. Mặt hay của nó là tạo ra xã hội có quy củ trật tự, nhưng mặt dở của nó là ràng buộc con người vào một nếp khó tháo gỡ. Lễ làm cho nhiễm, thành ra một thói quen, một nếp sống, người ta không có ý thức nữa. Vì vậy, có chủ trương lễ trị, dùng cái lễ để mà yên dân, ít nổi loạn, đấy là một chính sách tiết kiệm hơn là pháp luật. Cách lễ nghi từ bé đẻ ra những người dân không bao giờ phạm thượng. Lễ nghi là con dao hai lưỡi, trong xã hội truyền thống ngày xưa, Phương Đông cũng như Phương Tây, bao giờ lễ nghi cũng chặt chẽ. Trong xã hội hiện đại, lễ nghi cao độ nhất là trong quân đội. Quân đội nào cũng có những nghi thức rất chặt chẽ, để con người lúc nào cấp trên hô một tiếng thì không còn suy nghĩ nữa, cứ theo một động tác máy móc như thế, khi tiến công, không còn sợ nguy hiểm nữa. Xã hội phong kiến là xã hội dùng động cơ chính làm tác động trực tiếp con người này đối với con người khác, cấp trên hay cấp dưới, bằng cái oai nghiêm của lễ nghi, không phải bằng pháp luật, càng không phải bằng hợp đồng của xã hội tư bản. Vì thế ở các nước tư bản, khi xóa bỏ lễ nghi thì mối quan hệ xã hội thông qua hợp đồng kinh tế là chính. Tôi có viết những bài bình luận về lễ nghĩa bằng tiếng Việt đăng báo Tổ Quốc, sau đó in lại trong quyển "Bàn và luận", bản tiếng Pháp trong tạp chí Etudes Vietnamiennes số 70 (Nghiên cứu Việt Nam). Nét ảnh hưởng thứ hai của ông cụ tôi đối với tôi là cuộc sống đơn giản của gia đình. Làm quan cũng được tiếng là thanh liêm. Nhà đông con, sau khi mẹ tôi mất thì có mẹkế (gọi là Mự). Hai bà 14 con. Tuy làm quan lương to nhưng vẫn sống đạm bạc. Ông cụ theo đạo Nho, người quân tử ăn chẳng cần ngon; mặt khác, hai ông bà muốn dành tiền khi về hưu tậu ruộng, xây nhà. Tôi còn nhớ hồi còn nhỏ, buổi sáng ăn cháo trắng với một tý cá kho mặn. Học đến 10 giờ thì đói meo. Khi ăn cơm, chúng tôi kêu: "Cá kho mặn quá", bà Mự tôi nói: "Cá mặn thì ăn nhiều cơm vào". Lúc tôi ra học trường Bưởi, ăn mặc sơ sài, anh em cứ nói đùa là ông Gandhi. Sau này, suy nghĩ lại thì thấy, quen sống đơn giản cũng có cái hay. Khi chiến tranh nổ ra, tiền trong nước không gửi sang được nữa, tất cả sinh viên Việt Nam đứng trước sự lựa chọn, hoặc cố gắng tìm việc làm, hoặc phải xin trợ cấp của Ban thuộc địa. Tự nhiên chia ra làm hai: Số sinh viên quen ăn sung mặc sướng thì cúi đầu đi xin trợ cấp; số sinh viên quen chịu khổ thì tự trọng và tìm cách xoay kiếm sống. Sự phân chia lúc đó không có tính chất chính trị gì cả, thực chất là sự lựa chọn về đạo lý. Về những suy nghĩ của Thầy tôi thì tôi không biết rõ. Chỉ có một lần, tôi đoán được phần nào, lúc tôi đỗ tú tài rồi, vấn đề đặt ra là tôi sẽ theo học trường đại học nào. ở Hà Nội lúc đó chỉ có ba trường đại học: Y dược, Luật và Nghệ thuật. Nghệ thuật thì tôi là anh tịt mù. Học Luật thì đa số học xong ra làm tri huyện. Thầy tôi bảo: "Con muốn học trường nào tùy con, đừng học nghề làm quan như thầy". Do đó, tôi học nghề thuốc. Đầu năm 1942, Thầy tôi nghỉ hưu trước tuổi, lúc mới 53 tuổi và về quê ở. Sau cách mạng Tháng Tám năm 1945, ông tích cực tham gia nhiều công tác ở địa phương và được cử vào ủy ban Liên Việt khu Bốn. Hồi ấy bác Kim Cương với ông Tôn Quang Phiệt vào Thanh niên Cách mạng Đồng chí hội, được cử sang Trung Quốc học lớp Nguyễn ái Quốc. Đến biên giới bị bắt, nếu xử theo luật của Pháp, thì việc vượt biên không có giấy tờ chỉ là tội nhẹ, cho nên Pháp giao lại cho Nam Triều xử, theo luật nhà vua thì đấy là tội nặng về hình sự. Hai ông là người Nghệ An nên bị giải về Nghệ An, giao lại cho án sát Nghệ An xét xử, án sát lúc ấy chính là Thầy tôi. Thầy tôi nhất định không chịu nhận xử, nói Pháp bắt thì Pháp xử, vụ việc xảy ra không phải ở Nghệ An. Sau hai ông do Pháp xử, nên bị kết án nhẹ, cứ cảm ơn mãi. Bác Kim Cương còn kể lại trong lúc bị giam ở Vinh, một đêm thấy một người lính cầm gói bánh kẹo, thuốc lào đưa cho bảo là quan án gửi tặng. Qua thái độ và một số sự việc, thấy rõ Thầy tôi cũng có một ý thức nào đó về dân tộc, nhưng không đủ gan làm cách mạng. Đạo Nho cùng đường, Văn Thân hết thời, Phan Bội Châu thất bại, tưởng đi dạy học là yên thân, không ngờ trường chữ Nho bị bỏ, nhà đông con, phải chuyển sang làm quan chứ không vui vẻ gì. Mẹ kế tôi cũng là mẫu người của xã hội xưa, không được đi học, sau này chúng tôi mới dạy bà học chữ quốc ngữ, nhưng thực chất có trình độ văn hóa nhất định. Vốn xuất thân từ gia đình nhà nho, từ bé đến lớn nghe các bác, các chú, các anh học hành, thành ra bà thuộc lòng khá nhiều văn thơ. Đặc biệt là truyện Kiều, bà nhớ không sót một câu nào. Kể cả văn thơ chữ Hán, bà cũng thuộc nhiều. Có lần, khi có dịch thổ tả, bà con nhờ Thầy tôi chép lại bài Chính khí ca để dán lên nhà. Thầy tôi không có bản gốc, mà cũng quên, thế mà mự tôi đọc cho ông chép lại cả bài. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình như vậy, nên tất cả anh chị em chúng tôi, trừ hai người mất sớm trước năm 1955, đến nay còn 12 người, thì tất cả đều thành đạt. Trải qua bao sóng gió của những biến động chính trị - xã hội chung cũng như riêng của gia đình, trong gần nửa thế kỷ qua, có lúc tưởng chừng không vượt qua được, nhưng rồi tất cả đều đứng vững, hăng hái tham gia hai cuộc kháng chiến, có những cống hiến đáng kể trong các ngành Y tế, Giáo dục, Văn hóa, trong công tác đoàn thể, trong hoạt động dịch vụ. Tuy hoàn cảnh từng người và từng giai đoạn có khác nhau, kể cả lúc đói nghèo hoặc gặp nỗi oan khiên, nhưng chúng tôi đều chịu đựng, sống tự trọng, trung thực, ham học hỏi, làm việc tích cực, chăm lo cho tập thể và gia đình. Tôi nghĩ rằng, môi trường văn hóa ở gia đình, nếp sống của gia đình đã có ảnh hưởng sâu sắc đến con người và cuộc sống của anh chị em chúng tôi. Môi trường làng quê, họ hàng cũng để lại trong tôi những ký ức khó quên. Quê tôi ở làng Gôi Vị nay là xã Sơn Hòa, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh. Các chú, các bác, các cô, các cậu đều ở các làng gần đó, chúng tôi thường đến thăm luôn. Đây là một khu vực gần như bán sơn địa, bên bờ sông Ngàn Phố. Không xa lắm, đi qua một cái hỏi, là một dãy đồi, gọi là rú, nơi có các ngôi mộ của tổ tiên, ông bà và bà con trong họ. Đất Hương Sơn là đất vườn, đặc sản là cau, bưởi, mít. Cau bổ ra từng miếng sấy khô gửi xuống Vinh bán. Năm ngày một lần, có chuyến đò ngược xuôi chở mít, bưởi... xuống bán ở chợ Vinh. Chiều ra đò, ngủ một đêm, sáng ra đến Vinh. Đêm nằm trên đò nghe tiếng chống đò (vì sông cạn) xen lẫn tiếng ngân nga những câu Kiều hòa với tiếng nước rào rạt bên mạn thuyền. Về mùa bổ cau, cả nhà cùng với những người đến giúp việc, quây quần dưới những ngọn đèn dầu lạc, ngồi bổ cau suốt đêm để kịp thời vụ. Đêm khuya, vãn câu chuyện, khi mọi người thiu thiu buồn ngủ, Ông Cháu (người giúp) liền ngâm lên những đoạn Kiều. Vì thế, chúng tôi đã thuộc và thấm truyện Kiều từ tấm bé. Lúc nhỏ ở quê, sau lớn lên, dù học ở đâu, cứ đến hè là được về quê chơi. Nhóm chúng tôi, anh em con chú con bác, tha hồ chạy nhảy, bôi nhựa mít đưa lên cao để bắt ve sầu. Chiều chiều rủ nhau đi tắm sông, nước sông Ngàn Phố trong suốt nhìn thấy tận đáy. Lúc học ở Pháp, mấy anh em người Hà Tĩnh cùng nhau trò chuyện, nao nao nhớ cảnh quê nhà: Nước sông Ngàn Phố trong veo Chiếc đò xuôi ngược mái chèo thảnh thơi Khi mô lặng gió yên trời Ta về Thịnh Xá(2) tắm nơi Bãi Bè(3). Chiếc đò Ông Cháu xuôi Vinh Bưởi, bòng, chuối, mít, lênh lênh một đò Đêm khuya nghe giọng ai hò Nhớ sông Ngàn Phố, nhớ đò chợ Phiên. Họ ngoại tôi ở làng Thịnh Xá, cách làng tôi khoảng hơn 1 km. Ông ngoại tôi đỗ Cử nhân, không làm quan, chỉ ở nhà. Cậu tôi là em mẹ tôi cũng đỗ tiến sĩ, nhưng không làm quan, học quốc ngữ, tiếng Pháp đến Thành chung, sau đi dạy, là một giáo viên có uy tín. Các O tôi đều lấy chồng ở các làng lân cận, chúng tôi thường đến thăm, ở lại chơi với các anh chị con các O, có khi đến vài ba ngày. Có O lấy chồng là dòng dõi Lê Hữu Trác, tức Hải Thượng Lãn Ông, quê ở Hưng Yên, đỗ quan võ. Không muốn làm quan thời vua Lê, chúa Trịnh, ông bỏ quan vào ở một cái ấp vùng bán sơn địa ở Hương Sơn, làm thuốc rất nổi tiếng. Những tác phẩm ông để lại có giá trị lớn còn lưu truyền mãi đến ngày nay. Kế tục truyền thống của cha ông, người em con O tôi là Lê Hữu Hà sớm tham gia cách mạng, làm đến Vụ trưởng, chán cảnh "triều đình" xin về hưu non. Anh học Đông y, làm thuốc, ra một tờ tập san về Y học dân tộc. Sau khi anh vào Bà Rịa, nghĩ đến bà con ở quê thiếu ruộng, anh cùng người anh cả kiếm đất ở Xuyên Mộc, lập một cái ấp, rủ bà con ở Sơn Hòa vào làm ăn. Đến nay đã có khoảng trên 50 hộ, gần 300 người ổn định cuộc sống. Nói đến làng quê, cũng là nói đến sự quyến luyến với thiên nhiên, với cảnh những lũy tre, những đồng ruộng, những vườn cây mùa này mùa khác đủ màu sắc. Đặc biệt, ký ức của tôi đậm nét hình ảnh cây đa. Trước xóm, có một cây đa, không biết mấy trăm năm rồi. Hồi ở Pháp, khoảng năm 1960, được tin người ta đã đốn mất cây đa, tôi giật thót mình và cảm thấy đau xót vô cùng. Thời thơ ấu chiều chiều, khi trời nhạt nắng, chúng tôi rủ nhau ngồi gốc cây đa, nhìn ra cánh đồng. Tôi viết một bài bằng tiếng Pháp về cây đa xưa, đăng ở một tạp chí. Bài viết nêu lên được tình cảm của người Việt Nam đối với quê hương, làng xóm, gây ấn tượng sâu sắc với độc giả nước ngoài. Bài ấy, sau viết lại bằng tiếng Việt được NXB Giáo dục trích một đoạn đưa vào sách lớp ba gọi là "Cây đa quê hương". Về việc này, nảy ra một chuyện nho nhỏ nói lên quan điểm văn học hồi đó. Trong bài có câu: "Chúng tôi ngồi dưới gốc cây đa mà thoáng nghe được từ trên ngọn cao nhất trong vòm lá, gió thổi vi vu, chim kêu, có những tiếng như cười như khóc...". Thế là Tòa soạn Nhà xuất bản Giáo dục đề nghị bỏ chữ "như khóc", với lý do là không nên gây cho các em tư tưởng bi quan. Tôi nói mãi không được, sách giáo khoa vẫn bỏ từ "như khóc". Tất cả câu đó không thành câu văn nữa! Nói đến quê hương là nói đến cảnh sống chung, cảnh sống cộng đồng, họ hàng gắn bó thân thiết. Mỗi gia đình tuy có nhà riêng, vườn riêng, nhưng ngày giỗ, ngày tết, lúc làm cửa, làm nhà, lúc ốm đau, tang ma, cưới xin... đều có sự giúp đỡ của chú, bác, cô, cậu... Dù đi xa cũng vẫn nhớ về quê hương, họ hàng. Tôi có ông bác, vào Sài Gòn đã mấy chục năm, sau ở Thủ Đức, trước khi mất, ông làm một cái nhà thờ, tuy không lớn, nhưng cũng là nơi bà con tụ tập lại hàng năm một, hai lần. Tết năm 1993, hơn 20 người bà con nội ngoại họ Nguyễn Khắc gặp nhau tại đây đón năm mới, trong đó có một bà đi từ Năm Căn, Cà Mau cũng đến họp họ. Nói đến quê nhà, không thể quên các nhà thờ họ, nơi họp mặt bà con đông vui những ngày giỗ, tết. Thường khi, bà con còn cử đoàn đại biểu sang Nam Đàn (Nghệ An) dự giỗ tổ. Bên đó có nhà thờ Tổ, là một ông quan to từ thời nhà Lê, lúc đầu vào Nghệ An, sinh con cháu, sau di cư sang Hà Tĩnh, thành một chi của họ Nguyễn Khắc ở Hương Sơn. Nhà thờ họ ở làng tôi cách nhà tôi khoảng non nửa km. Nhân dịp sửa chữa lại trước cổng có hai cái cột, bà con muốn để một đôi câu đối chữ nôm. Anh em ra Hà Nội bàn với tôi về nội dung câu đối. Lúc đầu có ý vế đầu nhắc lại công ơn tổ tiên cho con cháu nhớ, vế sau nói lên sự đóng góp của dòng họ đối với đất nước. Tôi góp ý là như vậy xa xôi quá và hơi huênh hoang, vì trong làng còn có những dòng họ khác nữa, người ta nhìn vào không hay lắm. Sau đồng ý để hai câu như sau: "Công đức tổ tiên dựng nên dòng nên họ Nghĩa tình con cháu tô đẹp xóm đẹp làng" Bà con Nguyễn Khắc sau cách mạng rời bỏ quê hương, phần lớn tập trung ở Hà Nội, từng đợt đều có đóng góp sửa sang nhà thờ, mộ tổ. Nhờ có chú Giang là người rất tích cực, làm như con thoi liên lạc giữa bộ phận ở Hà Nội với bà con trong quê.
Bạn có thể nhấn vào
đây để đọc tiếp !
>
Ebook Kể chuyện đất nước